Saturday, 12 May 2012

Hướng phát triển tương lai của hội bonsai người Việt Qld



Cây Bách Xù

Bông Giấy


Ngày nay với những phát triển về thông tin như internet, facebook, twitter…vv..Con người ngày càng trao đổi về tin tức nhanh chóng, đặc biệt với tính cách toàn cầu hoá hiện nay, sự thay đổi cuộc sống quá nhanh đã tạo ra một áp lực xã hội quá mạnh trên đời sống hàng ngày của con người.
Chính những áp lực này đã tạo ra những khó khăn cho con người về phương diện tâm lý và gây ra nhiều bệnh tật nhất là bệnh trầm cảm. Do đó nhu cầu giải trí là rất cần thiết như phim ảnh, thể thao, ca nhạc, hội họa trong đó có nghệ thuật chơi bonsai..
 SỰ PHÁT TRIỂN BONSAI TẠI TRUNG HOA
Người Trung Quốc đã biết dùng chậu trồng cây đã hơn 15 thế kỷ và dùng hai chữ Bồn Thụ hay Bồn Tài để chỉ việc này, Người Trung Quốc còn gọi là thụ thung Bồn cảnh hay Thụ mộc bồn cảnh.
a)      Đời Đông Hán: ( năm 25-250 Công Nguyên)
Ở Vọng Độ Hà Bắc vẽ một chậu tròn, trong trồng 5 cành hoa đỏ, đặt trên kỷ vuông, đó là một mô hình đầu tiên của chậu cảnh.
b)      Đời Đường: ( 618 – 905 )
Đó là thời kỳ cực thịnh của nghệ thuật Trung – Quốc trong đó có cây cảnh tại mộ Chương Hoài  Thái Tử ( xây năm 706 ) đào lên ở CÀN LĂNG Thiểm – Tây năm 1972, trên vách mộ người ta  phát hiện nhiều bức hoạ có hình một thị nữ bưng 1 chậu cảnh, chứng tỏ hơn 1200 năm Trung Quốc đã có thú chơi cây cảnh rồi.
c)      Đến đời Tống: ( 960 – 1279 )
Đã hình thành chậu cảnh và chậu cảnh sơn thuỷ ( mà chúng ta thường gọi là hòn non bộ)
d)      Đến đời Nguyên:  ( 1271 – 1366 )
Ưa chậu cảnh cỡ nhỏ.
Cây Bách Xù
e)      Đời Minh: ( 1368 – 1644 )
Sáng tác liên quan đến chậu cảnh bắt đầu ra đời.
f)        Đời Thanh:
Nghệ thuật chậu cảnh có tiến bộ một chút và hình thành nhiều loại chậu cảnh. Năm 1949 khi Trung Hoa dân quốc bắt đầu thành lập, nghệ thuật chậu cảnh có bước nhảy vọt.  Năm 1979 trong 1 tổ chức triển lãm tại Bắc Kinh, có 13 tỉnh trưng bày hơn 1.100 cây cảnh các loại, Tuy nhiên tùy theo giai đoạn lịch sử, cũng như yếu tố địa lý, ta có thể phân chia Trung Quốc ra làm hai phái lớn:
-     BẮC PHÁI:  dọc theo sông Trường – Giang là THƯỘNG -  HẢI, TÔ – CHÂU, DƯƠNG – CHÂU và THÀNH – ĐÔ..vv..làm đại biểu, cây cảnh được cắt tỉa thành từng cụm, từng tàn, từng bậc rõ ràng.
-     NAM PHÁI: gồm các tỉnh Quảng – Đông, Quảng TÂY, PHÚC - KIẾN  ..vv..cũng được gọi là LÃNH NAM PHÁI,  khí hậu ấm áp, mưa nhiều cây cỏ thường được xanh tươi tự nhiên.
Tuy nhiên gần đây Trung – Quốc đã phát triển cây cảnh một cách sáng tạo gắn bó với tự nhiên hơn, không bị trói buộc bởi các luật lệ xưa, quá chú trọng đến nhân sinh quan và tư tưởng của Nho – Giáo, một vẻ đẹp được khống chế bởi triết lý Khổng- Mạnh.
SỰ PHÁT TRIỂN BONSAI TẠI NHẬT BẢN:
            Danh từ Bonsai bắt  nguồn từ Nhật - Bản, người Nhật phiên âm và viết BỒN – TÀI ( Penjing ) là Bonsai theo lối Latin hóa.
Bonsai có nghĩa là cây cổ thụ thu nhỏ lại được trồng trong chậu cạn.
Từ Bonsai cũng chỉ mới xụất hiện gần đây tại cuộc triển lãm Bonsai được tổ chức năm 1914 tại Tokyo. Đến năm 1934 một buổi trưng bày được tổ chức tại Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật Đông Kinh và tiếp tục cho đến nay.
Tuy nhiên nghệ thuật trồng tỉa của các cây cổ thụ thu nhỏ và được trồng trong chậu đã được phát triền tạt Trung- Hoa cả hơn 1000 năm trước.
Sau đó bonsai đã được 1 vị Thiền Sư Nhật đã du nhập vào nước Nhật năm 1192.
Người Nhật đã viết nhiều sách về bonsai  và xuất cảng loại cây cảnh nhỏ bé này.
Tuy bắt nguồn từ Trung – Quốc nhưng bonsai đã thành công rực rỡ tại Nhật - Bản.
Theo khuynh hướng nghệ thuật gần đây, bonsai được mô phỏng trong tự nhiên, do đó bonsai có nhiều kiểu thức giống tự nhiên:
1)      Cây thân thẳng ( CHOKAN )  Formal upright.
2)      Cây hơi nghiêng ( MOYOGI ) Informal upright.
3)      Cây nghiêng ( SHAKAN ) Slanting.
4)      Cây bán thác đổ ( HANKENGAI ) Semi Cascade.
5)      Cây thác đổ ( KENGAI ) Cascade
Ngoài ra còn có các kiểu phụ khác như:
1.      Trí thức ( BUNJINGI ) Literati
2.      Suy phong ( FUKINAGASHI ) Windswept
3.      Phong cách rừng ( YOSE – UE) Group
4.      Kiểu chổi ( HÔKIDACHI ) Broom
5.      Kiểu lộ rể ( NEAGARI ) Exposed root
6.      Kiểu uốn khúc ( BANKAN) Swister trunk
7.      Kiểu kết bè ( IKADABUKI ) Straight  raft.   Chòm cây được tạo ra bằng 1 cây duy nhất.
8.      Kiểu rễ cây liên kết ( NETSUNANARI ) Sinuous raft . Cụm cây cách biệt có cùng nguồn rễ.
9.      Phong cách rễ leo lên đá ( SEKIJOJU ) root – over –rock.
10.  Kiểu rễ bám vào đá ( ISHITSUKI ) Root on rock
11.  Kiểu bạch tuột ( TAKOZUKUZI ) cây uốn khúc, các cành giống vòi bạch tuột.
12.  Phong cách xoắn vặn ( NEJIKAN )
Trong những năm gần đây, ngoài những bộ Bonsai sưu tập tại Trung - Quốc, Nhật - Bản. Bốn bộ sưu tập chính đã được trưng bày cho công chúng thưởng thức tại:
-     Vườn sưu tập Bonsai của Hoa kỳ tại Washington DC, do quà tặng của Nhật cho Hoa Kỳ vào năm 1976
-     Vườn thực vật Bzooklyn ở Newyork
-     Vườn thực vật Montréal ở Canada
  Vườn bảo tàng cây cảnh Bonsai ở Heilenburg thuộc Cộng Hoà Liên Bang Đức
SỰ PHÁT TRIỂN BONSAI TẠI VIỆT NAM
Cho đến nay không có tái liệu chính thức nào viết về vấn đề này, theo lịch sử Việt Nam dưới thời nhà Trần ( 1225 – 1400 ) nghệ thuật chơi cây cảnh đã được phát triển mạnh trong giới quan lại và dân chúng vì nến kinh tế thời này rất thịnh vượng. Nhà vua có tổ chức hội thi hoa kiểng vào những ngày lễ tết, ai đoạt giải đều có phần thưởng nên phong trào chơi cây cảnh càng phát triển mạnh.
Trong giai đoạn này Phật- Giáo, Khổng – Giáo, Lão – Giáo rất phát triển nên nhiều cây cảnh mang màu sắc tôn giáo.
Đem thuyết âm dương, Ngũ hành, tam cang , ngũ thường áp dụng sửa uốn cây cảnh. Kiểng cổ chú trọng về thế và dáng, không quan tâm đến hoa, quả cho lắm; nên cắt tỉa uốn sửa chỉ chừa lại từ 3 đến 5 tàn mà thôi., gò bó theo khuôn khổ không vươn cao lên được, mà phải uốn cong trở xuống hoặc uốn nằm ngang gọi là hồi đầu, bẻ xuống bè lên theo luật âm dương, chứ không được chỉa thẳng vào mặt người xem cho là vô phép.
Thí dụ:   Bộ kiểng ba cây gọi là Tam Thanh  hay Tam Tài, cây trung bình đứng giữa, 2 cây mẫu tử đứng đối xứng hai bên, trông rất cân xứng và đẹp đẽ.
Có thể nói kiểng Việt Nam trước kia chịu ảnh hưởng của Trung –Hoa, sau này 1 số chịu ảnh hưởng của Nhật - Bản, một phần theo khuynh hướng tự do, hoàn toàn do nghệ thuật quyết định.
Ở miền nam Việt Nam, các vùng chơi cảnh truyền thống tại Cái Mơn, Bến Tre ,Sadec và Vĩnh Long.
HƯỚNG PHÁT TRIỂN BONSAI CỦA HỘI BONSAI NGƯỜI VIỆT QUEENSLAND
Bàn về vẻ đẹp của cây cảnh, người ta thường phân ra 2 loại:
a.       Vẻ đẹp tự nhiên.
Rất đa dạng lả do phong cảnh và sinh vật đẹp, người ta thường lấy vẻ đẹp thiên nhiên làm chuẩn mực để sang tác nghệ thuật. cây cảnh uốn sửa kiểu nào cũng phải phù hợp với tự nhiên và phần gốc rễ là phần đẹp nhất của cây cảnh.
b.      Còn cái đẹp trongg nghệ thuật là do con người tạo ra.
Nghệ thuật thường kỵ giống nhau, thiếu cá tính. Vì vậy cá tính của tác phẩm nghệ thuật càng rõ thì ý thức sang tạo và sức hấp dẫn của nó càng mạnh. Thiên nhiên mãi mãi là nguồn cảm hứng, là đối tượng cám dỗ của sự sáng tạo nghệ thuật.
Hội hoạ đã có sẵn một thể loại diễn tả cái đẹp: tranh sơn thuỷ hay tranh phong cảnh thiên nhiên.
Đối với nghệ thuật thì thiên nhiên có những chi tiết đẹp đẽ đặc biệt mà con người không thể bắt chước được, nhưng thiên nhiên cũng có những chi tiết không phù hợp với con mắt của nghệ nhân.
Do đó nghệ nhân thường mô phỏng hay tái thể hiện lại thiên nhiên sau khi sàng lọc qua tâm hồn, và trí tưởng tượng của chính họ, chứ không bao giờ sao chép lại nguyên xi thiên nhiên, cần bỏ bớt những chi tiết không cần thiết.
Người nghệ nhân được hoàn toàn tự do sáng tạo tác phẩm của mình mà không chịu lệ thuộc bất cứ một quy luật nào. Theo tinh thần đó Hội Bonsai người Việt tai Qld có thể đưa ra một định nghĩa về cây bonsai như sau:
<  Bonsai là một cây cổ thụ trong thiên nhiên, được thu nhỏ theo tỷ lệ tương xứng và được trồng trong chậu cạn, cộng với kỷ thuật của con người. >
Nói chung hội bonsai người Việt Qld theo trường phái tự do để khuyến khích hội viên sáng
tác  tác phẩm của mình với đầy sáng tạo cá nhân. Có như thế thì giá trị nghệ thuật của tác phẩm mới càng ngày càng phong phú.
            Kính mong toàn thể quý vị yêu thích nghệ thuật chơi bonsai góp ý về vấn đề này.
      
                                                                                                            Kính
                                                                                                            Hội trưởng hội bonsai
                                                                                                            Trần Xuân Tú


Tài liệu tham khảo:
1)      Vườn cảnh Đông Phương ( Nguyễn Hoàng Huy )
2)      Bonsai Ôn Châu ( Hồ Nhạc Quốc )
3)      Bonsai, kiểng cổ chậu xưa ( Huỳnh Văn Thới )
4)      Bonsai Handbook ( Colin Lewis )